Lượt xem: 1906

Sóc Trăng chú trọng công tác tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội đồng

Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt phân bố đều ở khắp 11 huyện, thị xã, nguồn lợi thủy sản nội đồng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là rất lớn. Tuy nhiên, cùng với nhu cầu nguồn thực phẩm từ thủy sản ngày càng tăng, áp lực và cường lực khai thác thủy sản tăng theo, một số nghề khai thác mang tính hủy diệt khiến nguồn lợi thủy sản cả trên biển và khu vực nội đồng suy giảm rất nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng này, đồng thời tăng cường khả năng tái tạo nguồn lợi thủy hải sản từ tự nhiên, công tác tuần tra, xử lý một số nghề cấm trong lĩnh vực khai thác thủy sản, đặc biệt là tại khu vực nội đồng luôn được Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng chú trọng.

    Sóc Trăng là vùng biển bồi, với 3 cửa sông chính là Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh đổ ra Biển Đông, có chiều dài bờ biển hơn 72 km, tán rừng phòng hộ ven biển khoảng 6.000 ha, tạo nên hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, theo đó có nhiều ngư trường đánh bắt ven bờ, gần bờ và xa bờ. Tuy sản lượng đánh bắt hàng năm khoảng 65.000 tấn nhưng ngành thủy sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong đó có sự suy giảm nguồn lợi thủy sản trong các vùng nước. Nguyên nhân là do tình trạng khai thác thiếu kiểm soát, phương pháp khai thác còn mang tính tận diệt, khai thác sai quy định vùng cho phép khai thác. Theo đó, hằng năm, Ban Chỉ đạo Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tỉnh Sóc Trăng cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với UBND và Công an các xã trên địa bàn những huyện trọng điểm về nguồn lợi thủy sản nội đồng triển khai thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương; triển khai rà soát nghề cấm trong hoạt động thủy sản theo Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; triển khai các hoạt động ngăn chặn tình trạng sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ và nghề, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản theo Công văn số 6838/BNN-TCTS ngày 08/10/2020 của Tổng cục Thủy sản, Công văn số 4598/VP-KT ngày 08/10/2020 của Văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, Ban Chỉ đạo Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đã phát hiện được 37 vụ vi phạm, tiến hành xử phạt hành chính 37 vụ, với tổng số tiền là 109.000.000 đồng; thu giữ 37 bình và 37 xung điện; giáo dục cho làm cam kết không tái phạm 37 đối tượng. Nhờ duy trì được công tác kiểm tra nên một số hành vi vi phạm pháp luật đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, công tác xử lý vi phạm có tính răn đe mạnh, đặc biệt đối với các nhóm hành vi sử dụng các cộng cụ khai thác mang tính hủy diệt như xung điện hay lờ dây… đã tác động tích cực đến việc nâng cao nhận thức của người dân. Từ đó, góp phần quan trọng bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản. Đồng chí Lê Minh Vững - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long, thị xã Ngã Năm cho biết: “Ngã Năm là một trong những địa bàn trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng về nguồn lợi thủy sản nội đồng nên sau khi Luật Thủy sản năm 2017 với từng quy định cụ thể có liên quan công tác phát triển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội đồng chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2019; Thị ủy Ngã Năm đã ban hành Công văn số 56 chỉ đạo về việc phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương. Bên cạnh đó, UBND thị xã cũng đã ban hành Kế hoạch số 89 chỉ đạo UBND các xã, phường trên địa bàn đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến từng hộ dân bằng nhiều hình thức như là thông qua pano, áp phích, đến trực tiếp từng hộ gia đình để vận động bà con chuyển đổi sang các ngành nghề phù hợp. Với sự phối hợp chặt chẽ từ cấp tỉnh, thị xã đến chính quyền các xã, phường đã góp phần thay đổi được nhận thức của nhiều bà con. Người dân không chỉ bỏ hẳn việc sử dụng ngư cụ cấm trong khai thác nguồn thủy sản nội đồng mà còn trình báo kịp thời đến chính quyền địa phương khi phát hiện trường hợp vi phạm”.


Công tác tuần tra, xử lý hành vi sử dụng ngư cụ cấm trong khai thác, đánh bắt thủy sản khu vực nội động được thực hiện thường xuyên

 

    Qua các đợt kiểm tra tuyên truyền, đa số bà con đều ý thức được việc đánh bắt thủy hải sản tràn lan sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tôm cá tự nhiên, cũng tức là ảnh hưởng đến nghề khai thác thủy hải sản của chính người dân về lâu dài, nhiều hộ từ đó có sự chủ động hơn trong việc chuyển đổi ngành nghề để duy trì kinh tế gia đình. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Văn An ở ấp Long Thạnh, xã Tân Long, thị xã Ngã Năm, là địa bàn thuộc vùng trũng với nguồn thủy sản nội đồng phong phú nên việc khai thác, đánh bắt cá đồng cũng trở thành sinh kế chính của gia đình ông An gần 10 năm nay. Qua nhiều buổi tham gia các đợt tuyên truyền về Luật Thủy sản năm 2017 cũng như các văn bản pháp luật có liên quan, từ giữa năm 2019 ông An đã từ bỏ việc khai thác bằng nghề lờ dây, dùng khoản tiền tích góp được để đầu tư chăn nuôi heo. Từ vỏn vẹn vài con heo nái ban đầu, nhờ cần cù chịu khó mà đến nay chuồng heo của gia đình ông đã phát triển lên đến 30 con với lợi nhuận thu về gần 60 triệu đồng sau mỗi đợt xuất bán. Điều đáng phấn khởi là thu nhập có được sau mỗi đợt bán heo còn được ông An trích ra một khoản nhỏ để đóng góp chi phí cùng địa phương hưởng ứng các hoạt động thả cá giống về tự nhiên để góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản tại địa phương. Ông An chia sẻ: “Mình sống ở đây vùng sông nước nên mấy năm nay thường hay đặt lờ dây để đánh bắt cá. Khi được địa phương tuyên truyền thấy rõ tác hại của các ngư cụ cấm này nên quyết định bỏ hẳn. Từ lúc nuôi heo mà kinh tế cũng đỡ hơn, không phụ thuộc vào con nước như việc đánh bắt cá đồng”.

    Song song với hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con khu vực nông thôn về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhằm tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản nội đồng, hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức kỷ niệm Ngày truyền thống Nghề cá Việt Nam 1/4, tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản nhân kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, ngày Môi trường thế giới 5/6 và ngày Quốc khánh 2/9. Trong giai đoạn 2012 - 2020 đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh thả về tự nhiên trên 17 triệu giống tôm sú và trên 1,5 triệu giống cá nước ngọt. Qua đó, công tác quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở Sóc Trăng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các nghề khai thác nằm trong danh mục cấm được rà soát, ngăn chặn có hiệu quả, nhiều giống loài có nguy cơ bị suy giảm đã có hiện tượng phục hồi và phát triển tốt trở lại, nhất là các loài thuỷ sản nước ngọt.

    Mặc dù đã đạt được kết quả nhất định, song việc để cấm bà con khai thác thủy sản bằng các công cụ cấm một cách triệt để vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Văn bản pháp lý với đầy đủ các chế tài đã được ban hành nhưng khó thực hiện khi nghề này là sinh kế chủ yếu của các hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng ven biển hay khu vực nội đồng. Công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác Bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhìn chung đã có tác động tích cực đến ý thức chấp hành của người dân. Song, việc vi phạm các nghề cấm của một số đối tượng vẫn thường xuyên xảy ra ở các địa phương theo thời điểm mùa vụ, nhất là mùa mưa.

    Để hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản phát triển bền vững, các ngành chức năng đã có những định hướng và giải pháp cụ thể, gắn với quản lý hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản, đồng thời giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật biển. Đồng chí Lư Tấn Hòa – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh việc thành lập các cộng đồng dân cư hoặc các tổ hợp tác, hợp tác xã để có thể tập hợp bà con khu vực nông thôn vừa tuyên truyền, vừa thảo luận, tập huấn, tổ chức các hội thi, hội thảo có liên quan để  người dân có thể nắm rõ về trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng trong việc phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường cũng như các đơn vị chức năng tiến hành rà soát, nắm bắt lại các hộ dân có sử dụng ngư cụ cấm để tổ chức giáo dục, tuyên truyền. Tranh thủ các nguồn vốn để tham mưu ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bố trí nguồn vốn hỗ trợ để người dân có điều kiện chuyển đổi sinh kế, ổn định kinh tế bằng các ngành nghề khác phù hợp hơn. Đối với các huyện vùng trũng ở khu vực nội đồng, chúng tôi sẽ thúc đẩy việc phát triển các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt tại hộ gia đình.  Tiếp tục vận động các nhà hảo tâm để duy trì tốt hoạt động thả cá giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản hằng năm...”.

    Sóc Trăng tiếp giáp với biển Đông, tuy chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu nhưng nguồn lợi kinh tế từ biển, vùng ven biển là rất lớn nếu được  quản lý, khai thác hợp lý. Ngành Thủy sản tỉnh nhà vẫn đang triển khai quyết liệt các giải pháp để có thể vừa bảo tồn, vừa khai thác có hiệu quả  những tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng; tạo sự cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, đồng thời góp phần duy trì ổn định sinh kế của hàng chục nghìn cư dân sống phụ thuộc vào nghề khai thác, đánh bắt.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 80
  • Hôm nay: 7517
  • Trong tuần: 78,224
  • Tất cả: 11,801,544